Văn phòng tứ bảo (p2)

1630

Văn phòng tứ bảo trong nghệ thuật thư pháp trên giấy

Trong văn phòng tứ bảo thì hai vật dụng không thể thiếu đó chính là mực và nghiên. Các bạn hãy cùng chudep.com.vn tiếp tục tìm hiểu nhé!

  1. Mực

Đối với người Trung Quốc, mực là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình phát triển của văn hoá truyền thống Trung Hoa. Trong tiếng Hán tượng hình, chữ “Mo” (âm Hán – Việt là mặc) được biểu đạt bằng một chữ “Hắc” 黑 (đen) bên trên và chữ “Thổ” 土 (đất) ở phía dưới. Nó nói lên nguồn gốc chất liệu đầu tiên của sản phẩm này. Đó là một loại đá đen tự nhiên hay bán tự nhiên.

Văn phòng tứ bảo” mực lại là sản phẩm tốn nhiều công lao và thời gian nhất. Tính ra có đến hơn 20 giai đoạn, dùng nhiều kỹ thuật khác nhau, lại thêm một số bí mật gia truyền. Người Trung Hoa thường nói: “ Vàng dễ kiếm, mực khó tìm”. Trong thư pháp, mài một đĩa mực là lúc người nghệ sĩ đặt hết tâm hồn, để cho lòng tĩnh lặng. Đổ một chút nước lên mặt nghiên, một tay giữ nghiên cho vững, tay kia cầm thỏi mực quay đều đặn, chầm chậm theo hình tròn cho tới khi mực sánh lại. Mực tốt không bao giờ nghe tiếng sột soạt khi mài và người biết cách mài không thể cho thỏi mực vạt  một bên.

Đáp ứng nhịp độ nhanh của cuộc sống hiện đại, ngày nay, mực cũng được sản xuất và bán ra dưới dạng đóng chai để tiết kiệm thời gian cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, mực phải được mài trên nghiên đá, mới là thứ mực “hoạt” (sống), là thứ mực chứa đựng sự hài hòa âm dương. Và công đoạn mài mực không phải là việc tốn thời gian mà chính là lúc người nghệ sĩ có thể tập trung tâm thức trước khi múa bút tạo nên tác phẩm của mình. Có như vậy, ta mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của động tác mà Tô Thức (1034 – 1101), thi sĩ nổi tiếng đời Tống đã từng ngợi ca, rằng âm thanh của tiếng mực mài trên nghiên như một thứ âm nhạc thanh bình và tao nhã.

văn phòng tứ bảo
Mực và nghiên
  1. Nghiên

Nghiên hay nghiễn xuất hiện cùng thời với mực. Đại thể, nghiên có dạng như một miếng ngói đặt úp, có một chỗ trũng, trẹt để mài mực và chứa mực dùng vào việc viết chữ.

Đối với kẻ sĩ, cái nghiên là “đồ nghề”, là người bạn quý, và bản thân của nghiên cũng là vật quý, vì nó thường được chế tác bằng đá quý, cẩm thạch. Đó là nghiên của quan, còn của vua thì bằng ngọc, bằng mã não (học trò nghèo thì dùng nghiên bằng sành). Cho dù làm bằng chất liệu gì cái nghiên cũng phải hơi nhám để mài mực, không răn nứt. Và tất nhiên nghiên càng đẹp thì càng có giá trị. Một cái nghiên tốt bao giờ mài cũng trơn và không nghe tiếng kêu.

Trong bốn vật quý, nghiên tuy không giữ vai trò then chốt nhưng được các văn nhân xưa xem trọng hơn cả, bởi nó gắn bó cả đời với người sử dụng, xem nghiên như miếng ruộng, bút như cây cày, rất cần thiết cho đời sống: “Nghiên ruộng bút cày”! Các cụ xưa còn bảo rằng chiếc nghiên đá là vật linh để trấn giữ phòng văn, là nơi tụ hội khí tinh anh của trời đất.

Sáng tác một bài thơ, một đôi câu đối, mài mực một cách khoan thai để cho hồn lắng đọng rồi tập trung tinh thần viết những nét rồng bay phượng múa trên một tờ giấy hoa tiên là một sảng khoái không phải ai cũng có được. Có lẽ vì thế, mà nghiên bút là vật dụng không thể tách rời của văn nhân.

Ngoài văn phòng tứ bảo nói trên, còn những vật dụng phụ trợ khác đem lại sự tiện lợi trong khi luyện chữ mà nhiều thư gia, họa gia cũng kén chọn. Có thể kể đến là: ống đựng bút, giá tựa tay, bồn rửa mực, lọ đựng nước, giá gác bút, cục chặn giấy. Một vật dụng khác tuy không được xếp vào tứ bảo nhưng cũng độc đáo và quan trọng, đó là con dấu (ấn hay tỉ), vì đó là thứ bảo chứng quan trọng còn hơn cả chữ ký.

Như vậy, văn phòng tứ bảo là một thuật ngữ dùng để chỉ chung cho tất cả những vật dụng cần thiết cho “người viết chữ” chứ không phải bốn món giấy, bút, nghiên, mực! Nói như ngày nay thì nó là “văn phòng phẩm”. Và cái “quý” (bảo) đúng nghĩa là quý cái đồ nghề, nhờ nó mà văn nhân mới biểu đạt được tác phẩm vật thể của mình và lưu truyền cho hậu thế.