Cách viết chữ thư pháp trên giấy

2025

Những điều cần biết về cách viết chữ thư pháp trên giấy

Cũng giống như luyện viết chữ đẹp, cách viết chữ thư pháp trên giấy đòi hỏi sự kiên trì, khổ luyện người viết trong khoảng thời gian dài mới có thể viết được những nét chữ bay bổng, uyển chuyển.

Quy trình cách viết chữ thư pháp trên giấy còn biết tới như nghệ thuật bút pháp gồm: khởi bút, hành bút và thu bút.

  1. Khởi bút

Khởi bút còn gọi là lạc bút, hạ bút. Có ba cách để viết khởi bút

  • Ngọn bút đưa sang trái rồi kéo sang phải
  • Ngọn bút đưa lên trên rồi kéo ngang một chút rồi kéo xuống
  • Đặt ngọn bút vào là kéo đi luôn.

Cách (1) và (2) gọi là hồi phong. Ta bắt buộc phải hồi phong khi viết các thư thể:  triện, lệ, khải. Cách (3) dùng khi viết chữ hành và chữ thảo.

  1. Hành bút

Hành bút là bước trung gian giữa khởi bút và thu bút, tức là khi ngọn bút di động tạo ra nét chữ.

  1. Thu bút

Thu bút là dù ta kéo nét ngang hay nét sổ, đến cuối nét, ta dừng ngọn bút và thu hồi theo hướng ngược lại một chút rồi nhấc bút lên.

Cách viết chữ thư pháp trên giấy
Cách khởi bút, hành bút và thu bút

Để viết được chữ thư pháp, người viết phải nắm được 7 kỹ thuật về cách viết chữ thư pháp trên giấy:

1. Tàng phong & lộ phong

Tàng phong cũng gọi ẩn phong (giấu ngọn bút) hay nghịch phong (ngược ngọn bút). Khi khởi bút, ta hướng bút ngược lại chiều muốn kéo (nghịch phong). Khi thu bút ta hướng ngược chiều đã kéo (cũng gọi là hồi phong hư). Tàng phong làm cho nét bút đầy đặn, khí lực sung mãn, ngoài nhu trong cương.

Lộ phong cũng gọi xuất phong, tức là để lộ nét bút do lúc khởi bút ta không tàng phong và lúc thu bút ta không hồi phong mà kéo ngọn bút đi luôn. Nét bút lộ phong cũng cần có gân cốt, biểu lộ tinh thần.

Cách viết chữ thư pháp trên giấy
Tàng phong và Lộ phong

2. Trung phong & trắc phong

Trung phong cũng gọi chính phong tức là khi búp lông đứng thẳng góc với mặt giấy. Ngọn bút nằm chính giữa nét bút, tạo sự hồn hậu, đầy đặn. Khi mới tập viết, ta nên dùng trung phong.

Trắc phong là khi búp lông đứng xiên với mặt giấy. Ngọn bút nằm ở cạnh nét bút. Bút tiêm và bút đỗ cùng tiếp xúc và di động trên mặt giấy, thích hợp viết chữ hành, chữ thảo. Khi mới tập viết, ta không nên dùng trắc phong.

3. Chiết phong & chuyển phong

Chiết phong là đưa ngọn bút tạo nét gấp. Chiết phong tạo ra phương bút vuông.

Chuyển phong là chuyển ngọn bút tạo nét cong. Chuyển phong tạo ra viên bút tròn.

4. Đề bút & án bút

Đề bút: kéo ngọn bút nhẹ nhàng trên mặt giấy, nét bút đều đặn.

Án bút: ấn ngọn bút, tạo nét thô, đậm.

Cách viết chữ thư pháp trên giấy
Kỹ thuật viết chữ thư pháp

5. Trú bút & quá bút

Trú bút: ngọn bút dừng như ở các chỗ cuối nét hay ở góc cạnh chữ.

Quá bút: nét bút lướt nhanh trên mặt giấy, nhưng có sức  lực. Ngọn bút lúc đi, lúc dừng, lúc nhanh lúc chậm, tạo ra tiết tấu.

6. Thuận bút: Tùy theo thư thể mà thứ tự nét bút phải thuận, hợp với quy tắc viết chữ.

7. Không hành: Trước khi hạ bút cho ngọn tiếp xúc mặt giấy, tay ta cầm bút viết thử phía trên cao của mặt giấy, ước lượng kết cấu của chữ và bố cục của tấm thư pháp.