Cách viết liền mạch và đặt dấu thanh trong Tiếng Việt

2726
cách viết liền mạch các chữ cái
Kĩ thuật viết liền mạch trong Tiếng Việt

Kĩ thuật viết liền mạch các chữ cái trong chữ ghi tiếng

  1. Cách viết liền mạch trong Tiếng Việt

Khi dạy trẻ viết ứng dụng thì kĩ năng quan trọng giúp bé có thể viết nối chữ và đảm bảo tốc độ viết là kĩ thuật viết liền mạch. Viết liền mạch là viết tất cả các hình cơ bản của chữ cái trong một chữ ghi tiếng rồi sau đó mới đặt dấu (kể cả dấu phụ của chữ cái và dấu thanh) theo trình tự: dấu phụ trước (từ trái sang phải), dấu thanh sau.

Ví dụ như cách viết các chữ “uông”, “ruộng”, ” đường” như sau:

  • Viết vần uông:

Viết liền mạch các hình cơ bản của chữ cái thành uong, sau đó đặt dấu mũ (dấu phụ) trên o để thành uông.

  • Viết chữ ghi tiếng ruộng:

Viết liền mạch cách hình cơ bản của chữ cái thành ruong, sau đó đặt dấu mũ (dấu phụ) trên o và dấu nặng (dấu thanh) dưới ô để thành ruộng.

  • Viết chữ ghi tiếng đường:

Viết liền mạch các hình cơ bản của chữ cái thành duong, sau đó viết nét thẳng ngang ngắn ở chữ cái đ rồi đến dấu ư (dấu phụ), dấu ơ (dấu phụ), cuối cùng là dấu huyền (dấu thanh) trên ơ để thành đường.

kĩ thuật viết liền mạch
Cách viết liền mạch

2. Cách đặt dấu thanh trong Tiếng Việt

Dấu thanh bao gồm các dấu: huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng

Dấu thanh được đánh ở âm chính như: “hóa”, “thủy” , “khỏe”, “Huế”,…

Khi âm chính là một âm đôi, xuất hiện trong âm tiết mở (không có âm cuối) thì dấu thanh được đánh ở yếu tố đầu của nguyên âm đôi đó như: “bìa”, “bùa”, “bừa”,…

Khi âm chính là một âm đôi, xuất hiện trong âm tiết đóng (có âm cuối) thì dấu thanh được đánh ở yếu tố cuối của nguyên âm đôi đó như: “tiếng”, “vượn”, “buồn”,…

Khi dạy các bé đặt dấu thanh trong chữ viết Tiếng Việt, phụ huynh cần hướng dẫn bé viết sao cho đảm bảo sự hài hòa, cân đối và mang tính thẩm mĩ giữa chữ và dấu. Theo nguyên tắc, các dấu huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng thường được đặt vào vị trí khoảng giữa (trên, dưới) đối với những chữ cái a, ă, o, ơ, e, i (y), u, ư. Ví dụ như: bài, hỏi, đỡ, bé, nặng,…

Riêng đối với các chữ cái â, ê, ô (có dấu mũ) các dấu huyền, sắc được đặt về phía bên phải của dấu mũ. Ví dụ: huyền, chấm, xuồng,…

cách đặt dấu thanh
Cách đặt dấu thanh trong Tiếng Việt

Khi hướng dẫn các bé viết từ ngữ ứng dụng, phụ huynh cũng cần quan tâm nhắc nhở các em lưu ý về khoảng cách giữa các chữ sao cho đều đặn, hợp lí thì sau này, khi trình bày câu văn, câu thơ mới có thể cân đối và đẹp được. Thông thường khoảng cách giữa các chữ ghi tiếng thường được ước lượng bằng chiều rộng của một chữ cái o viết thường.

Việc hướng dẫn cho bé nắm được các kĩ thuật viết nối chữ, viết liền mạch sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho bé trong quá trình tập viết cũng như có thể viết được chữ nét thanh nét đậm một cách dễ dàng.